Nhận định Lỗ Túc

"Ta đã đàm đạo với Tử Kính trong suốt buổi tiệc hôm đó và có được một sách lược để lập nên vương triều này - điều này thật đáng quý. Sau khi Mạnh Đức chiếm hết đất đai của Lưu Tông, ông ta đã tuyên bố sẽ soái lĩnh hàng vạn bộ kỵ và thủy sư nam chinh. Ta đã triệu tập toàn bộ văn võ đại thần để thương nghị, nhưng không ai nêu ra được ý kiến hợp ý ta, Tử Bố và Văn Biểu thì khuyên ta quy hàng nhưng duy chỉ có Tử Kính phản đối và khuyên ta nên triệu tập Công Cẩn và bái ông ấy làm Đại đô đốc để nghênh địch - điều này lại càng quý hơn nữa. Tuy nhiên trong quyết định chính sự, ông ấy vẫn không so được với Trương Nghi và Tô Tần, khi ông ấy khuyên ta nên cho Huyền Đức mượn đất - đó thực sự là một trong những thiếu sót của ông ấy, nhưng chừng ấy vẫn chưa đủ để làm lu mờ những công lao của ông ấy." - Tôn Quyền nói với Lã Mông.

Trong lời nhận định trên, Tôn Quyền rất coi trọng Lỗ Túc vì hai điều - Lỗ Túc đã thảo ra cho ông sách lược để đưa nước Ngô cường thịnh và trở thành một trong ba bá chủ trên lãnh thổ Trung Hoa, và Lỗ Túc đã đưa ra giải pháp liên minh với Lưu Bị để đối kháng với Tào Tháo ngay trước trận Xích Bích. Tuy nhiên, Tôn Quyền nghĩ rằng Lỗ Túc vẫn còn kém Trương NghiTô Tần (hai trong số những quân sư và nhà ngoại giao nổi tiếng nhất thời Chiến Quốc) trong việc quyết định các chính sự liên quan đến đến đối ngoại. Dù vậy, Tôn Quyền vẫn cảm thấy rằng những đóng góp của Lỗ Túc vẫn vượt xa những thiếu sót của ông.

Theo Ngô Sách (吳書) của Vi Chiêu, Lỗ Túc được miêu tả là một người nghiêm khắc, không màng vật chất, sống một đời giản dị, không ham thích những thú vui tầm thường. Ông giữ kỉ cương quân pháp tốt, xử trí không sai lệch. Ngay cả khi đang ở trong quân, ông vẫn thường xuyên đọc sách. Ông giỏi biện luận và viết lách. Ông có tầm nhìn xa và thường làm gương cho người khác. Lỗ Túc là người giỏi thứ nhì, sau Chu Du.